Bị can bắt cóc, sát hại cháu bé gái 2 tuổi đã ch.ế.t, vụ án giải quyết ra sao?

15
Bị can Giáp Thị Huyền Trang và nhận dạng khi bắt cóc bé gái. Ảnh: T.L.

Theo chuyên gia pháp lý, bị can Giáp Thị Huyền Trang bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi đã tự tử thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can

Tối ngày 22-9, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan điều tra Công an TP đã khởi tố vụ án bắt cóc bé gái 2 tuổi nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày 19-9 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), nghi phạm là Giáp Thị Huyền Trang. Công an cũng xác định Trang đã nhảy xuống sông tự tử.

Trước đó ngày 21-9, Công an huyện Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Giáp Thị Huyền Trang về hành vi Giết người.

Do đó, dư luận đặt câu hỏi bị can Giáp Thị Huyền Trang đã chết, vậy 2 vụ án sẽ được giải quyết như thế nào?

Phân tích về pháp lý, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Sau khi thực hiện khởi tố vụ án và có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

Trong vụ án nêu trên, cơ quan tố tụng xác định Giáp Thị Huyền Trang có dấu hiệu tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, còn Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trang về hành vi “giết người”.

Tuy nhiên, sau khi các quyết định tố tụng được ban hành, đến nay cơ quan chức năng xác định bị can đã tự sát. Theo quy định tại điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra sẽ phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can.

Về trách nhiệm dân sự, nếu hành vi phạm tội của bị can, bị cáo (đã chết) gây thiệt hại cho người khác thì vẫn phải bồi thường hoặc theo thỏa thuận các bên. Trường hợp bị can, bị cáo đã chết mà có tài sản để lại, những người thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản đó.

“Trong trường hợp, nếu bị can, bị cáo đã chết mà không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện”- luật sư Tuyến nêu rõ.

Theo luật sư Tuyến, việc bị can chết và đình chỉ điều tra đối với bị can đồng nghĩa chấm dứt trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Trong khi đó, trách nhiệm bồi thường với người bị hại vẫn cần được bảo đảm, nhưng hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Do đó, vị luật sư Đoàn TP Hà Nội cho rằng vẫn cần tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án, vừa để xác định có đúng bị can là người phạm tội hay không, “vừa có căn cứ để bảo đảm quyền lợi (được bồi thường) cho phía bị hại”.

Theo Công an TP Hà Nội, chiều 19-9, cơ quan này tiếp nhận đơn trình báo của chị M.T.H (trú huyện Gia Lâm, Hà Nội) về việc con gái 21 tháng tuổi của mình bị Giáp Thị Huyền Trang bắt cóc, đòi tiền chuộc 1,5 tỉ đồng, nếu không sẽ giết cháu bé. Vào cuộc điều tra, công an xác định Trang là người được gia đình chị H. thuê để đưa đón cháu bé.

Sau khi đón bé từ trường mầm non tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), Trang sử dụng xe máy chở cháu đi thẳng xuống địa phận tỉnh Hưng Yên; liên tục di chuyển vòng quanh các huyện khác nhau. Trong khi di chuyển, Trang sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện, nhắn tin cho gia đình cháu bé đòi tiền chuộc rồi tắt máy nhằm che giấu, tránh bị truy bắt.

Trên đường đi, bé gái bị mệt, quấy khóc nhiều nên Trang sợ lộ, Trang ra tay sát hại nạn nhân để xóa dấu vết và bịt đầu mối. Sát hại nạn nhân xong, Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Gia đình cháu đã nhiều lần chuyển tiền cho Trang, với tổng số tiền 550 triệu đồng. Sau đó, biết không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất, Trang đã tự sát.

Theo NLD