1 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, 50 công an bị cách ly

336
5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cùng tài xế và phụ xe bị bắt giữ - Ảnh: MINH HẢI

Bệnh nhân COVID-19 thứ 912 là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đã tiếp xúc với 50 công an tại phường 1, phường 2 (quận Tân Bình) và 13 nhân viên y tế, nên những người này đã phải được đưa đi cách ly tập trung.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về công tác phòng chống COVID-19 chiều 17-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đã phát hiện 115 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trong đó có 110 người quốc tịch Trung Quốc.

Công an TP.HCM đang tổng kiểm tra, rà soát những trường hợp nhập cảnh trái phép.

Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm 

Ông Phong chỉ đạo chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc nhập cảnh trái phép trên địa bàn, các địa phương cần tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện từ tổ dân phố, khu phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân TP lựa chọn một số vụ án điểm liên quan đến việc nhập cảnh trái phép để đưa ra truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý mặc dù bước đầu TP kiểm soát thành công việc lây lan dịch bệnh COVID-19 nhưng không được phép chủ quan, lơ là.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, ông Phong đề nghị các cấp, các ngành xác định tâm lý sống chung với dịch bệnh, có kế hoạch dài hơi, chủ động phòng chống dịch. Các sở ngành, quận huyện phải triển khai quyết liệt hơn các giải pháp phòng chống dịch.

“Tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh, mới đây xuất hiện ca bệnh ở Hà Nội, Hải Dương nên không được phép chủ quan. Mật độ dân số TP rất đông, hoạt động kinh tế nhộn nhịp, nếu để phát sinh ca bệnh từ cộng đồng sẽ lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm” – ông Phong nhận định.

Nói về những giải pháp sắp tới, ông Phong đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các nội dung trong thông báo 300, ngày 14-8 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

Người đứng đầu TP cũng lưu ý các sở ngành tập trung bám sát tình hình diễn biến dịch, sẵn sàng ứng phó khi có dịch lây lan trong cộng đồng. Quận huyện bố trí các lực lượng tại những nơi công cộng để giải tán những đám đông tập trung trên 30 người ngoài công sở, trường học.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (trái) và Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp trực tuyến về COVID-19 – Ảnh: THẢO LÊ

Cách ly 13 nhân viên y tế, 50 công an tại Tân Bình

Liên quan đến bệnh nhân COVID-19 thứ 912 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết bệnh nhân này đã tiếp xúc với 50 công an tại phường 1, phường 2 (quận Tân Bình) và 13 nhân viên y tế.

Hiện toàn bộ người tiếp xúc gần đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tất cả nhân viên y tế và lực lượng công an tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 912 đã được cách ly tập trung.

Cũng tại buổi họp, đại diện UBND quận Tân Bình thông tin lực lượng công an trên địa bàn vừa phát hiện 11 người Trung Quốc (8 nam, 3 nữ) nhập cảnh trái phép. Những người này không có giấy tờ tùy thân liên quan đến xuất, nhập cảnh.

Ngoài ra, quận 2 cũng phát hiện 2 người ăn xin đến từ Campuchia nhập cảnh trái phép. Tất cả trường hợp nhập cảnh trái phép vừa nêu đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 và được đưa đi cách ly tập trung.

Ca bệnh lây nhiễm ngoài cộng đồng mới nhất được công bố tại TP.HCM là bệnh nhân thứ 912. Người này mang quốc tịch Trung Quốc và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo thông tin từ Công an quận Tân Bình, bệnh nhân thứ 912 đã nhập cảnh trái phép cùng 7 người Trung Quốc khác. Họ qua mặt cơ quan chức năng để nhập cảnh bằng đường tiểu ngạch biên giới phía Bắc từ ngày 27-7, rồi đi ôtô tới TP.HCM. Nhóm người này khai báo vượt biên sang Việt Nam để tránh dịch COVID-19 và tìm việc làm.

Ngoài ra, ngày 15-8, TP.HCM có thêm 4 ca bệnh khác nhập cảnh tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Những người này về từ đảo Guam (Mỹ), được cách ly ngay khi xuống sân bay.

Tính đến 17-8, TP.HCM có tổng cộng 77 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 62 người được xuất viện, 15 người tiếp tục điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

TP tiếp tục cách ly theo dõi 199 người có triệu chứng viêm hô hấp, 169 người trong đó đã âm tính với COVID-19, 30 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.

Theo Tuoitre

Xét nghiệm 4 lần mới phát hiện dương tính, liệu có lọt người bệnh COVID-19?

Bộ Y tế vừa công bố một người trong đoàn từ Guinea Xích Đạo về Việt Nam trong chuyến bay đặc biệt ngày 29-7, nam thanh niên 27 tuổi có kết quả dương tính với COVID-19 sau 4 lần xét nghiệm.

Người dân Hà Nội thực hiện khai báo y tế và xét nghiệm nhanh sau khi trở về từ Đà Nẵng – Ảnh: MAI THƯƠNG

Khi nào sẽ xét nghiệm đến 4 lần và liệu có lọt người nhiễm bởi theo quy định hiện hành, không phải ai cũng xét nghiệm đến 4 lần?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Thạch – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết như thông thường, những người thuộc diện F2, F3 hoặc người có liên quan tới vùng có dịch chỉ cần xét nghiệm 1 lần, nếu có kết quả âm tính có thể xác định được không mắc bệnh.

“Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt, như ở cùng phòng với bệnh nhân dương tính, có dấu hiệu lâm sàng, có dấu hiệu hoặc yếu tố nghi ngờ… thì số lượng xét nghiệm sẽ nhiều hơn, thời gian cách ly cũng sẽ dài hơn bình thường” – ông Thạch cho biết.

Theo ông Vũ Minh Điền – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, về nguyên tắc trong thời gian cách ly, điều trị, mỗi người bệnh, người tiếp xúc gần với người bệnh hoặc thuộc diện cách ly y tế sẽ được xét nghiệm 3-5 lần/ngày, trường hợp đặc biệt sẽ xét nghiệm thêm.

Trả lời Tuổi Trẻ có lý do nào liên quan đến chất lượng xét nghiệm mà phải đến lần thứ 4 mới phát hiện được bệnh nhân dương tính, ông Điền cho rằng độ nhạy, độ đặc hiệu của xét nghiệm Realtime PCR là rất ổn định, nhưng kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm và cả kỹ thuật lấy mẫu.

“Thông thường sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài trong 5-7 ngày, khi hết thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ có dấu hiệu lâm sàng, có virus ở khu vực hầu họng và virus sẽ tồn tại ở đó trong 2-3 tuần, lấy mẫu trong thời gian này thì kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, có những người ủ bệnh 17-24 ngày, tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nào đặc biệt như vậy, nhưng thế giới thì có” – ông Điền cho biết.

Hiện các bác sĩ đang áp dụng phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19 bản cập nhật lần 4, trong đó về tiêu chuẩn được xác định khỏi bệnh yêu cầu tới 3 xét nghiệm âm tính, mỗi xét nghiệm cách nhau ít nhất 24 giờ. So với phác đồ trước đó, tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh yêu cầu thêm 1 lần xét nghiệm âm tính, tức là tiêu chuẩn chặt chẽ hơn.

Với những người có xét nghiệm âm tính bằng test nhanh, quy chế hiện hành vẫn yêu cầu cách ly đủ 14 ngày. Riêng tại Hà Nội, sau khi đã xét nghiệm bằng test nhanh và có nghi ngờ kết quả chưa chính xác, Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm lại bằng PCR, như vậy không quá lo ngại có việc bỏ lọt bệnh nhân.

Xét nghiệm lần thứ 3-4 phát hiện dương tính là bình thường

Liên quan đến bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo dương tính sau 4 lần xét nghiệm, một bác sĩ cho rằng đây là điều bình thường, có nhiều trường hợp như trên. Bởi khi phát hiện dương tính bệnh nhân vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của y tế (trong 14 ngày và lần xét nghiệm thứ 4).

“Có khả năng khi bắt đầu về nước bệnh nhân này có tiếp xúc với nguồn lây và mới bị lây bệnh. Lúc đó không thể xét nghiệm ra kết quả dương tính được” – bác sĩ trên cho hay.

H.L.

Đã có 141 bệnh nhân liên quan Đà Nẵng âm tính

Những tín hiệu từ vùng dịch Đà Nẵng cho thấy chiều hướng đã tốt dần lên, với số ca mắc đang giảm xuống so với tuần trước và số khỏi bệnh đang tăng. Tính đến ngày 16-8 đã có 447/951 bệnh nhân COVID-19 ghi nhận từ đầu mùa dịch được công bố khỏi bệnh. Ngoài ra, đã có 141 bệnh nhân (ghi nhận từ ngày 25-7 đến nay) có kết quả âm tính 1-2 lần, hàng chục bệnh nhân đã được ra viện trong vài ngày qua, trong đó có những bệnh nhân nặng.

Đã có những tính toán thống kê về tổng số ca mắc trong đợt dịch này, và phương án tốt nhất, nếu đảm bảo giãn cách xã hội đúng yêu cầu tại các khu vực đang có dịch, thực hiện các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách 2m ở những khu vực còn lại thì trong hai tuần nữa có thể khống chế được dịch.

Theo Tuoitre